Hợp tác Việt Nam Nhật Bản

Tuyển dụng lao động nước ngoài đang được xem là một giải pháp để giúp Nhật Bản giải quyết thực trạng thiếu lao động.

Tại Việt Nam, nơi được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là có nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao, lao động Việt Nam được tuyển dụng theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp đến các trường cao đẳng, đại học Việt Nam để tìm kiếm.

Kỹ sư Vũ Lê Bình tại Công ty Koganei Seiki cho biết thường là định kỳ hai năm, công ty sẽ tiếp cận các trường đại học hàng đầu Việt Nam để tuyển dụng lao động. Theo thông lệ, những người có thâm niên như kỹ sư Vũ Lê Bình sẽ đảm nhận việc hướng dẫn các lao động Việt Nam mới được tuyển dụng. Koganei Seiki luôn tập trung vào các trường đại học danh tiếng ở Việt Nam, vì vậy các lao động Việt Nam được tuyển dụng đều đủ năng lực để ban giám đốc công ty phân công đảm nhận những công việc có độ khó cao.

Bên cạnh hình thức tuyển dụng đó, số lượng lao động Việt Nam đến Nhật Bản theo chế độ tu nghiệp sinh chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong số hơn 240.000 lao động Việt Nam tại Nhật Bản tính đến cuối tháng 10/2017,số lao động đến Nhật Bản theo chế độ tu nghiệp sinh ở mức cao nhất, chiếm tới 43,9%. Thống kê chính thức cho thấy, đến hết tháng 12/2017, có khoảng 54.000 thực tập sinh và lao động Việt Nam mới, tăng gần 30% so với năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh và lao động Việt Nam tại Nhật Bản lên tới trên 120.000 người. Thực tập sinh và lao động Việt Nam có ở tất cả 47 tỉnh thành Nhật Bản, nhiều nhất tại tỉnh Aichi với hơn 8.000 người. Đa số thực tập sinh và tu nghiệp sinh có công việc và thu nhập ổn định khoảng trên 24 triệu VND/tháng. Đặc biệt, có những thời điểm, thu nhập của thực tập sinh lên tới gần 56 triệu VND/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những lao động Việt Nam chăm chỉ có ý thức, một số lao động không quen với công việc phức tạp vất vả, lại bị các đối tượng xấu dụ dỗ lừa tìm công việc nhẹ nhàng hơn và có thu nhập cao hơn, đã sa vào những cách kiếm tiền bất hợp pháp, làm nảy sinh các vụ tu nghiệp sinh Việt Nam bỏ trốn. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Tỷ lệ tu nghiệp sinh bỏ trốn chỉ chiếm 1,5% trên tổng số tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản, song đã ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam, tạo ra trở ngại nhất định đối với việc tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Tu nghiệp sinh bỏ trốn chủ yếu làm trong các ngành xây dựng, nhất là ở công trường. Hầu hết các tu nghiệp sinh bỏ trốn đều bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ và trục xuất về nước.

Một hình thức tuyển dụng lao động nước ngoài bậc thấp khác mà các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay đang áp dụng, đó là tuyển dụng các du học sinh nước ngoài tại Nhật Bản, làm công việc bán thời gian. Khối doanh nghiệp dịch vụ tại Nhật Bản hiện rất khó khăn tuyển dụng lao động do thực trạng khan hiếm lao động trẻ. Việc Chính phủ Nhật Bản cho phép các du học sinh nước ngoài được đi làm bán thời gian tối đa 28 giờ/tuần được xem là một biện pháp giúp các doanh nghiệp Nhật Bản giải quyết bài toán nhân lực tạm thời.  Du học sinh nước ngoài tại Nhật Bản được đánh giá là nguồn nhân lực quan trọng trong ngành dịch vụ. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyển du học sinh nước ngoài từ các trường dạy tiếng Nhật, các trường cao đẳng và đại học tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp còn chủ động xây dựng các chương trình tuyển dụng lao động bán thời gian.

Câu chuyện về em Nguyễn Dương Tùng, một trong hai du học sinh Việt Nam được cảnh sát Nhật Bản tặng bằng khen vì dũng cảm bắt trộm đã được đăng tải trên báo chí Nhật Bản. Nhưng điều đáng chú ý hơn đó chính là nghị lực và quyết tâm của em. Từng sang Nhật Bản theo chương trình học bổng của báo Asahi. Theo đó, báo Asahi sẽ đài thọ cho các em chi phí sang Nhật, chi phí học tiếng Nhật tại Nhật Bản, cấp nhà ở, sinh hoạt phí cho em trong hai năm, đổi lại em sẽ đi giao báo trong khoảng thời gian đó.

Một ngày bình thường, ngoài thời gian học tại trường tiếng Nhật. Từng có hai ca giao báo sáng sớm vào 3 giờ sáng và 3 giờ chiều. Trung bình một ngày vừa đi làm và đi học, Tùng chỉ ngủ được khoảng 6 tiếng. Những buổi sáng trời còn tối mịt, tuyết phủ trắng đường hoặc mưa nặng hạt thực sự là thách thức không nhỏ đối với những thanh niên còn ở tuổi ăn tuổi ngủ như em.

Căn phòng ký túc xá mà Tùng được bố trí ở rất nhỏ, cũ kỹ và không có nhiều vật dụng. Nổi bật nhất trong phòng là tấm bằng khen của phòng cảnh sát Takatsu, tỉnh Kanagawa, địa phương nơi em đang sinh sống.

Sau hai năm du học trường tiếng Nhật bằng học bổng báo Asahi, hiện tại Dương Tùng đã vào được Trường Đại học Nông nghiệp thực phẩm Nigata, đúng với mong ước. Công việc vất vả, cuộc sống còn thiếu tiện nghi, song Tùng không một lời than vãn. Khuôn mặt em luôn sáng lên nụ cười hiền lành và tin tưởng vào con đường mình đã chọn.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, số du học sinh tại Nhật Bản chiếm 41% số lao động Việt Nam tại Nhật Bản, chỉ xếp sau tu nghiệp sinh. Nhu cầu cao của thị trường lao động Nhật Bản đối với lao động bán thời gian đã tạo điều kiện cho du học sinh nước ngoài dễ kiếm được việc làm thêm. Tuy nhiên, cùng với áp lực kiếm tiền để trang trải cuộc sống, một số du học sinh làm nhiều hơn so với thời gian quy định của luật pháp. Từ năm 2017, nhà chức trách Nhật Bản siết chặt việc kiểm soát du học sinh nước ngoài làm bán thời gian. Những du học sinh nước ngoài bị phát hiện làm việc quá thời gian quy định đều bị trục xuất về nước.

Chưa bao giờ cơ hội cho lao động nước ngoài tại thị trường Nhật Bản lại nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nhật Bản là một thị trường lao động dễ dãi. Lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, sang Nhật Bản dưới bất kỳ hình thức nào, đều cần phải có ý thức về một thái độ làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, tinh thần học hỏi và tuân thủ luật pháp của nước sở tại.

CÔNG TY TNHH HỢP TÁC GIÁO DỤC TH
💻 https://xkld5.maugiaodien.com
☎️ TƯ VẤN MIỄN PHÍ : 0439.019.666 –  0969.855.744
🏠 Đ/c: Số 14, A17 KĐT Geleximco khu A, Lê Trọng Tấn An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội